Nghiên cứu hoạt tính kháng nấm gây teo đầu lá Nha đam (Aloe vera) của Diệp hạ châu trắng (Phyllanthus amarus), Tỏi (Allium sativum) và Neem (Azadirachta indica)
Main Article Content
Abstract
Bệnh teo đầu lá Nha đam gây ra do nấm Curvularia sp. là một trong những bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sản phẩm. Do đó, việc đánh giá hoạt tính kháng nấm của một số loài thực vật là cần thiết và có tính ứng dụng cao. Nghiên cứu này khảo sát hoạt tính kháng nấm gây bệnh teo đầu lá Nha đam từ các loại dịch chiết của ba loại thực vật, gồm Diệp hạ châu trắng (Phyllanthus amarus), Tỏi (Allium sativum), và Neem (Azadirachta indica). Cao chiết có độ phân cực khác nhau được thu nhận dựa theo phương pháp chiết lỏng-lỏng. Phương pháp khuếch tán đĩa giấy và pha loãng vi lượng thể lỏng được sử dụng để xác định nồng độ ức chế tối thiểu và nồng độ kháng nấm tối thiểu. Việc xử lí cao chiết hexan của Tỏi và Neem có thể làm xuất hiện vòng kháng khuẩn kháng lại sự hoạt động của nấm Curvularia sp. Nồng độ ức chế tối thiểu và nồng độ kháng nấm tối thiểu của cao chiết hexan Tỏi và Neem đều đạt lần lượt là 2,5 mg/mL và 5 mg/mL. Kết quả này cho thấy tiềm năng ức chế và tiêu diệt nấm gây teo đầu lá của 2 loại cao chiết, đặt tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng và phát triển các chế phẩm kháng nấm phục vụ cho quá trình canh tác Nha đam.
® 2022 Journal of Science and Technology - NTTU